Hình thành và phát triển Tiền_Tần

Bồ Hồng

Bồ Hồng (蒲洪) là thủ lĩnh người Đê, từng cùng với thủ lĩnh người Khương là Diêu Dực Trọng được vua Hậu Triệu là Thạch Hổ thu phục.

Năm 349, Thạch Hổ chết, triều đình Hậu Triệu xảy ra biến loạn. Con nuôi Hổ là Thạch Mẫn, tức Nhiễm Mẫn thao túng triều đình, giết con cháu Thạch Hổ lên ngôi. Một hoàng thân Hậu Triệu là Thạch Chi tự lập ở Nghiệp Thành. Thấy Hậu Triệu có biến lớn, Bồ Hồng tuyên bố theo Đông Tấn và được nhận chức của nhà Tấn. Lúc đó thủ lĩnh người Khương là Diêu Dực Trọng đã chết, con là Diêu Tương lên thay. Cả Bồ Hồng và Diêu Tương cùng muốn chiếm Quan Trung để tự lập. Tháng 1 năm 350, Bồ Hồng dàn quân đánh nhau với anh em Diêu Tương, Diêu Tràng. Ông đánh bại Diêu Tương. Tương thua trận bỏ chạy, phải cố thủ một chỗ. Bồ Hồng chiếm giữ Quan Trung, lập ra nước Tiền Tần, đổi ra họ Phù.

Dù Thạch Chi yếu thế trước Nhiễm Mẫn nhưng một số tướng lĩnh ở xa vẫn tỏ ra trung thành với Hậu Triệu. Một tướng ở Quan Trung là Ma Thu giả vờ đi theo Phù Hồng, rồi tìm cách mời ông tới ăn tiệc và đầu độc ông. Khi trở về, Bồ Hồng chết. Ông được truy tôn là Tần Vũ Đế. Một số tài liệu không tính Bồ Hồng vào danh sách các vua Tiền Tần.

Phù Kiện

Bồ Hồng chết, con là Phù Kiện (苻健, nguyên là Bồ Kiện (蒲健)) lên thay, tức là Tần Minh đế. Phù Kiện biết Ma Thu hại cha mình, liền bắt giết Ma Thu.

Ngay khi lên ngôi, Phù Kiện đã phải đối phó với cuộc bắc phạt của Đông Tấn.

Năm 351, đại tướng Hoàn Ôn của Đông Tấn sau khi diệt nước Thành Hán của Lý Thế lại mang quân đánh Tần. Phù Kiện biết thế mình yếu hơn nên bỏ Trường An chạy, nhưng ông lại dùng kế "vườn không nhà trống", đốt hết lúa ngoài đồng khiến quân Tấn bị đói. Hoàn Ôn đi đánh đường xa, vốn định trông vào lúa ở nước Tần, không ngờ ngoài đồng trơ trụi. Sau vài tháng, quân Hoàn Ôn bị thiếu lương, đường xa không tiếp tế kịp, buộc phải rút quân về. Phù Kiện thúc quân đuổi theo, giết được hơn vạn quân Tấn, nhưng thái tử Phù Tràng bị trúng tên tử trận.

Tạm yên mặt nam, lại nghe tin Thạch Chi bị Nhiễm Mẫn tiêu diệt, dứt nước Hậu Triệu, Phù Kiện tấn công về phía đông, tranh giành đất cũ của Hậu TriệuNhiễm Ngụy với Tiền Yên. Nhân lúc Nhiễm Mẫn bị vua Yên là Mộ Dung Tuấn đánh bại và bắt giết, Phù Kiện ra sức đông tiến. Về cơ bản, sau năm 352, trung nguyên nằm trong tay Tiền Tần và Tiền Yên, phía bắc xa xôi là Bắc Đại, phía tây xa xôi là Tây Lương (Tiền Lương).

Bạo chúa một mắt

Năm 355, Phù Kiện chết, con là Phù Sinh lên thay. Phù Sinh sinh ra đã chỉ có 1 mắt, tỏ ra hung tợn từ bé. Thuở nhỏ, ông nội Bồ Hồng trêu đùa Sinh rằng:

Ta nghe nói người 1 mắt thì chỉ có 1 giọt nước mắt thôi!

Sinh tức giận bèn lấy con dao, tự đâm vào chỗ mặt bên kia cho máu chảy ra và nói rằng:

Đây còn một giọt nước mắt nữa là hai!

Mọi người thấy thế đều sợ. Bồ Hồng thấy vậy, biết tính tình Sinh là người ngang ngược, muốn giết đi để trừ hoạ cho họ Bồ, nhưng Bồ (Phù) Kiện xin mãi, Bồ Hồng bèn thôi.

Vì thái tử Phù Tràng đã chết trận nên Phù Sinh được lên nối ngôi, tức là Tần Lệ vương. Phù Sinh tỏ ra là ông vua rất tàn ác. Sinh sát hại nhiều quan lại và người trong họ, hễ những người này lỡ phạm phải những chữ "một", "thiếu", "lẻ"... vì Sinh cho rằng ám chỉ đến tật một mắt của mình. Vì thế lòng người chán ghét Sinh.

Bấy giờ trong triều có hoàng thân Phù Kiên là con của Phù Hùng – em Phù Kiện, tức là cháu gọi Kiện bằng bác, em họ của Phù Sinh là người rất có uy tín với bách quan. Năm 357, Phù Sinh dùng Phù Kiên, Phù Hoàng My làm tướng mang quân dẹp thủ lĩnh người Khương là Diêu Tương. Tương vừa giao tranh với quân Đông Tấn của Hoàn Ôn, bị Hoàn Ôn đánh bại, phải bỏ Lạc Dương chạy về Quan Trung. Quân Tần đón đường vây bắt chém chết Tương. Em Tương là Diêu Tràng xin hàng Tần, được nhà Tần cho làm tướng.

Không lâu sau, Phù Kiên làm binh biến giết chết Sinh lên thay, tức là Tần Chiêu Đế. Ông trở thành một trong những vua nổi tiếng nhất thời Ngũ Hồ.